Tập trung rà soát các nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu theo kế hoạch năm 2023

Thứ Sáu, 1 Tháng Mười Hai, 2023 104 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Sáng 1/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị thường kỳ phiên thứ 16. Các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Mai Sơn, Lê Ô Pích, Phan Thế Tuấn; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và các ban của HĐND tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến sâu về một số báo cáo như: Thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH năm 2023, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024; thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán và phân bổ dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước 3 năm 2024-2026; kết quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024; kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024…

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu cả nước

Theo báo cáo của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh năm 2023 ước đạt 13,45% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), đứng đầu cả nước. Chất lượng tăng trưởng có mặt được cải thiện, năng suất lao động xã hội tăng 11,9%. Quy mô GRDP mở rộng, ước đạt 181,9 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 7,6 tỷ USD, vượt 0,2% kế hoạch.

Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế (đóng góp trên 85% tăng trưởng chung của tỉnh). Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định. Các sản phẩm nông sản trọng điểm đều được mùa, tiêu thụ thuận lợi. Toàn tỉnh có 290 sản phẩm OCOP (tăng 85 sản phẩm so với năm 2022), vượt 26,1% kế hoạch. Các hoạt động dịch vụ phục hồi và phát triển tích cực.

Công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm thực hiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước đến nay. Thu hút đầu tư đạt kết quả nổi bật; tính đến ngày 27/11/2023, đã thu hút được hơn 3,2 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 3,2 lần cùng kỳ, đạt kỷ lục từ trước đến nay. Riêng thu hút mới FDI, Bắc Giang đứng thứ hai cả nước sau Quảng Ninh, với số vốn đạt hơn 1,53 tỷ USD.

Mạng lưới giao thông tiếp tục được chú trọng đầu tư phát triển mạnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, tăng khả năng kết nối, liên kết phát triển; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được đặc biệt quan tâm.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Chất lượng giáo dục được nâng lên; công tác giảm nghèo bền vững triển khai có hiệu quả. Chỉ số cải cách hành chính và chuyển đổi số cấp tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước nhưng không đạt mục tiêu đề ra và chưa bền vững. Hoạt động của các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng, đơn hàng sụt giảm, thiếu điện. Số DN thành lập mới tăng cao song cũng có nhiều DN giải thể, tạm ngừng hoạt động. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án gặp nhiều khó khăn, tiến độ chậm. Hạ tầng nhiều khu, cụm công nghiệp chậm được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ.

Dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương và chưa theo kịp tốc độ phát triển công nghiệp, tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế giảm; chưa thu hút được nhà đầu tư dự án thương mại – dịch vụ quy mô cấp vùng; còn thiếu các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí… đáp ứng tốt nhu cầu.

Thu ngân sách giảm so với năm 2022; một số DN do khó khăn vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, có những DN nợ thuế lớn, kéo dài. Công tác xử lý vi phạm trên lĩnh vực đất đai sau thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 11/6/2020 của Tỉnh ủy tại một số địa phương còn chậm, lúng túng, trong khi đó, số lượng vi phạm mới vẫn phát sinh, gây bức xúc trong dư luận.

Tình hình lao động, việc làm đang gặp nhiều áp lực do nhiều DN giảm sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động. Đời sống của một bộ phận công nhân gặp nhiều khó khăn. Một số DN còn nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm. An ninh, trật tự còn tiềm ẩn phức tạp; tội phạm, vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, nhất là khai thác khoáng sản (đất) trái phép, ngoài phép xảy ra ở một số địa phương.

Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu nhất trí trong năm 2024, tỉnh tập trung triển khai, thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Tiếp tục đổi mới tư duy trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt cản trở sự phát triển; quan tâm củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng gắn với hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư; tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế; đẩy mạnh thu ngân sách, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước…

Một số đại biểu cũng cho rằng, trong năm 2024, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tiến hành đánh giá, tổng kết thực tiễn trên các lĩnh vực để rút ra những bài học kinh nghiệm, cơ sở khoa học cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tiếp theo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, cụm công nghiệp, các nhà máy xử lý rác thải tập trung; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý hồ đập, đất rừng và tình trạng ô nhiễm môi trường nước. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Việt Yên cho rằng: “Tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ của tỉnh nhiều năm đều đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Vì thế, tới đây, tỉnh cần nghiên cứu có thể ban hành nghị quyết chuyên đề về vấn đề này”.

Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung việc chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã là một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2024; xem xét điều chỉnh quy hoạch đô thị chung của tỉnh cho phù hợp hơn; tháo gỡ những khó khăn liên quan đến thủ tục thuê các mỏ khai thác đất trên địa bàn tỉnh…

Tiếp thu những ý kiến của các đại biểu, đồng chí Lê Ánh Dương đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tổng hợp, sớm xem xét giải quyết. Riêng về kinh phí xây dựng trụ sở công an cấp xã, đề nghị các huyện, TP quan tâm bố trí vốn, bảo đảm đủ phần đối ứng để triển khai theo kế hoạch năm 2024.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên BTV Tỉnh ủy; thông qua Nghị quyết của Tỉnh ủy về nhiệm vụ lãnh đạo năm 2024; Chương trình công tác của Tỉnh ủy năm 2024.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Dương Văn Thái nhấn mạnh, để có được những kết quả nổi bật trong năm 2023, trước hết là do tỉnh đã làm tốt công tác dự báo, đánh giá tình hình. Từ đó, đề ra những chủ trương đúng, trúng, phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc; phát huy được sức mạnh nội lực, đoàn kết, quyết tâm cao. Nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trước nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tranh thủ được nguồn lực từ bên ngoài; làm tốt công tác đối ngoại, tạo động lực cho phát triển KT-XH của tỉnh không chỉ trong năm 2023 mà cả những năm tiếp theo.

Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhận định năm 2024 vẫn là năm tiếp tục có nhiều khó khăn do tác động từ tình hình chung của thế giới, song đây là năm hết sức quan trọng, quyết định việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cả nhiệm kỳ 2020- 2025 của đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra. Vì thế, đề nghị các cấp, ngành, địa phương tập trung rà soát các chỉ tiêu khó, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 để tập trung chỉ đạo, thực hiện, phấn đấu hoàn thành toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, quan tâm đến các chỉ tiêu về thu ngân sách từ tiền sử dụng đất; giải ngân vốn đầu tư công; xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Cần tập trung nguồn lực để trả nợ, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình đang triển khai; tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện.

Trên cơ sở Nghị quyết của Tỉnh ủy về nhiệm vụ lãnh đạo năm 2024; Chương trình công tác của Tỉnh ủy năm 2024 vừa được thông qua và Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 sẽ được thông qua trong kỳ họp tới đây, các cấp, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, với phương châm tập trung thực hiện ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2024.

Đồng chí Dương Văn Thái lưu ý, theo Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024 thì các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải hoàn thành việc tổng kết công tác năm 2023 trước ngày 10/1/2024 nên thời gian rất gấp. Đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tổng kết, đánh giá, xếp loại cuối năm bảo đảm chất lượng và yêu cầu tiến độ.

Việc tổng kết phải tiến hành gọn nhẹ, thiết thực, tránh hình thức, lãng phí; công tác bình xét, đánh giá, xếp loại chất lượng phải thực sự dân chủ, khách quan, thực chất, theo đúng quy định, hướng dẫn của cấp trên; gắn bình xét, xếp loại với kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Đồng thời, quan tâm thực hiện tốt việc xác định, giao nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; lựa chọn những việc khó, nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, những vướng mắc, nút thắt trên các lĩnh vực giao các cơ quan, đơn vị, cá nhân để tập trung triển khai thực hiện, gắn với tiêu chí định lượng cụ thể để kiểm điểm, đánh giá.

Tập trung chuẩn bị tốt cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Trong đó, cần quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà, chăm lo Tết các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, các trường hợp khó khăn… bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chủ động phương án bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân đón Tết. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân, tạo không khí vui tươi, phấn khởi bước vào năm mới.

Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự trong dịp Tết Nguyên đán và các hoạt động lễ hội đầu xuân. Thực hiện hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác tuyển quân, gọi công dân lên đường nhập ngũ bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực và hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân theo quy định.

Theo Báo Bắc Giang