Gần nửa tháng qua, các cửa khẩu tại Lạng Sơn, đặc biệt là cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị thường xuyên có hàng trăm xe nông sản tồn chờ xuất khẩu sang Trung Quốc. Nguyên nhân là đang vào mùa sầu riêng, lượng phương tiện di chuyển lên Lạng Sơn nhiều.
Tính đến ngày 4/6, lượng xe bị tồn là 677, trong đó có 495 xe hoa quả, chủ yếu tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Theo dự báo, thời gian tới, khi nhiều loại trái cây khác vào vụ như vải thiều, thanh long…, lượng xe nông sản ùn ứ có thể tiếp tục tăng. Phía Việt Nam dù đã có nhiều giải pháp như yêu cầu nước bạn làm thêm giờ, chuyển thông quan qua một cửa khẩu khác nhưng tình trạng tồn xe vẫn diễn ra.
Chia sẻ với báo chí chiều 5/6 sau chuyến làm việc tại Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho rằng có nhiều lý do dẫn tới việc ách tắc, trong đó có hạ tầng tại các cửa khẩu biên giới giữa hai nước hiện quá tải.
Ông Nam cho biết, các nông sản Việt Nam đều đáp ứng được nhu cầu phía Trung Quốc. Song một phần ách tắc cũng tới từ chuỗi cung ứng không xuyên suốt, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu bán lẻ, tự đi tìm đầu mối bên phía bạn và không có kết nối với cả cơ quan chức năng.
“Các doanh nghiệp cần phải đăng ký các cơ quan chức năng trong nước, cho biết giờ nào lên, mặt hàng ra sao để hạn chế tình trạng ách tắc cửa khẩu. Điều này cũng tạo điều kiện truy xuất được nguồn nguyên liệu, mã số vùng trồng”, ông Nam nói.
Để giải quyết ách tắc cửa khẩu, ông đánh giá cần có lộ trình, trong đó có việc xây dựng cửa khẩu thông minh – việc này Việt Nam đã nhờ Trung Quốc hỗ trợ. “Cửa khẩu thông minh”, phía Trung Quốc, theo ông Nam là khi xe nông sản cách cửa khẩu 70 km họ đã bắt đầu làm đăng ký thủ tục, các xe hàng được giám sát từ xa qua hệ thống camera.
Bên cạnh đó, cũng cần thành lập hiệp hội và xây dựng kết nối doanh nghiệp hai nước, trong bối cảnh các doanh nghiệp chủ yếu mua bán lẻ, dễ dẫn tới đứt đoạn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, trong các cuộc làm việc tuần trước, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) đồng ý mở thêm cửa khẩu nhằm tăng năng lực thông quan, song yêu cầu Việt Nam nâng cấp hạ tầng, bảo đảm yêu cầu về xuất khẩu chính ngạch. “Trung Quốc đề xuất nên nâng cấp theo hướng cửa khẩu thông minh, sử dụng công nghệ số để kiểm soát cửa khẩu”, ông Nam nói.
Sắp tới hai bên cũng sẽ thường xuyên trao đổi bằng thư điện tử để giải quyết nhanh các thủ tục và hướng tới hải quan 1 cửa ở biên giới. Đồng thời tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại thường niên và luân phiên giữa Quảng Tây và Việt Nam. Thành lập hiệp hội doanh nghiệp nông sản, tạo ra sân chơi cho các doanh nghiệp hai nước từ đó xây dựng các chuỗi cung ứng. Hải quan hai nước cũng sẽ có hội nghị sơ kết về công tác chuyên môn vào tháng 11 hàng năm.
Cũng trong chuyến thăm, Việt Nam được gợi ý xuất khẩu thủy sản sang tỉnh Vân Nam do tỉnh này không có biển và nhu cầu rất lớn. Hiện thủy hải sản chưa được mở cửa để vào thị trường Trung Quốc thông qua cửa khẩu.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 3,14 tỷ USD kim ngạch nông lâm thủy sản sang Trung Quốc, giảm 0,01% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam nhập khẩu 939,7 triệu USD kim ngạch sản phẩm nông nghiệp từ Trung Quốc, giảm 0,16% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Báo Bắc Giang
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và triển khai kế hoạch thực hiện KCN Xuân Cẩm – Hương Lâm
Hình ảnh nồi cháo thứ 54 do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang ủng hộ
Bắc Giang: Huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Công bố các quyết định công nhận Hiệp Hòa đạt đô thị loại IV, Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á
Đẩy mạnh truyền thông, đầu tư nâng cấp hạ tầng số
Chủ tịch Vinasme: Diễn đàn Kinh tế 2025 mang lại giải pháp đột phá
Hình ảnh nồi cháo thứ 53 do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang ủng hộ