Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết trong tháng 3 cơ quan này sẽ báo cáo Chính phủ khung pháp lý về tiền số, trong đó cho phép thí điểm sàn giao dịch loại tiền này.
Bộ Tài chính cùng với Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu pháp lý về quản lý tài sản số, tiền số. Các bộ phải đưa ra khung pháp lý này trong tháng 3, theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. |
Tại họp báo Chính phủ chiều 5/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tài sản số là vấn đề phức tạp, mới với Việt Nam và nhiều nước trong khu vực, thế giới. Các quốc gia cũng đang nghiên cứu để có cách thức quản lý minh bạch loại tài sản này, nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Ông Chi nói lãnh đạo Chính phủ thấy được xu hướng trên và chỉ đạo sớm hoàn thành khung pháp lý cho tài sản số, tiền số. Đầu tuần này, Thường trực Chính phủ đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về việc này.
“Bộ Tài chính đang được giao ngay trong tháng 3 phải báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết, trong đó cho phép thí điểm vận hành sàn giao dịch tiền số, tiền ảo”, ông Chi nói, thêm rằng việc này giúp các nhà đầu tư, cá nhân có nơi giao dịch, đầu tư các loại tài sản này.
Cụ thể hơn, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, sàn giao dịch sẽ được tổ chức, vận hành bởi những đơn vị do Nhà nước cho phép. Tức là, Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp với nhà đầu tư, người dân khi tham gia vào thị trường này.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính trình quy định về quản lý tiền số, tài sản số với tinh thần “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và mở rộng dần”.
Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính được giao xây dựng quy định về cho phép doanh nghiệp Việt phát hành tài sản ảo để huy động nguồn lực tài chính. Việc này theo ông, giúp họ có bắt kịp xu thế chung về tài sản ảo, đóng góp vào phát triển nền kinh tế, phục vụ mục tiêu tăng trưởng.
Các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum… được coi là tài sản ảo phổ biến. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Các quy định hiện chỉ đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử.
Việc chưa có khung pháp lý cho tài sản số khiến nhiều doanh nghiệp chọn Singapore, Mỹ đăng ký rồi về hoạt động ở Việt Nam, gây mất lợi thế cạnh tranh và thất thu thuế. Còn ở góc độ người dùng, việc thiếu minh bạch dẫn tới rủi ro trong giao dịch. Do đó, việc sớm ban hành khung pháp lý để quy định định danh, phương pháp định giá tài sản số sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, từ đó có tiền đầu tư.
Cuối tháng 2, làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Tổng Bí thư Tô Lâm nói cần nghiên cứu áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để thành lập sàn giao dịch cho tài sản số.
Theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, giai đoạn 2021-2022, Việt Nam nằm trong top 3 thế giới về tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số (tương đương 21% dân số Việt Nam sở hữu), chỉ sau UAE và Mỹ. Dòng tài sản số vào Việt Nam năm 2023 đạt 120 tỷ USD, theo báo cáo của tổ chức phân tích thị trường Chainalysis.
Theo Báo Bắc Giang
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Thành lập Chi hội Doanh nghiệp khu vực Tân Yên trực thuộc Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh
Bộ Công Thương ban hành bộ thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực xuất nhập khẩu
Cả nước phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8,3-8,5%
Một số quy định mới về lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính
Công ty Cổ phần Đại Hoàng Sơn ủng hộ 20 nồi cháo, sẽ được phát miễn phí từ nồi thứ 70 đến nồi thứ 89
Hệ thống văn bản pháp luật không “liên thông”, gây “khó” cho doanh nghiệp
UNESCO vừa chính thức công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là Di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam được UNESCO công nhận và là Di sản thế giới liên tỉnh thứ 2 ở Việt Nam.
Thông báo 17 điểm tiếp nhận hồ sơ cấp đổi, cấp lại Giấy phép lái xe tại Công an các xã, phường sau sáp nhập