Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để dòng vốn chảy về doanh nghiệp

Thứ Năm, 27 Tháng Sáu, 2024 152 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 15-16% nhưng 6 tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 3,79%.

Ở một số địa phương, tăng trưởng tín dụng còn thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Trong khi đó tiền gửi tiết kiệm của người dân đạt kỷ lục, lên đến 6,676 triệu tỉ đồng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thực hiện rất nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, tuy nhiên việc sức cầu thị trường thấp cho thấy câu chuyện tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng năm nay vẫn rất gian nan. Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để dòng vốn chảy vào các doanh nghiệp.

Tăng trưởng kinh tế các quý trong năm 2023 và dự báo tăng trưởng quý 2 năm 2024 của Ngân hàng UOB - Nguồn: Tổng Cục Thống kê, UOB
Tăng trưởng kinh tế các quý trong năm 2023 và dự báo tăng trưởng quý 2 năm 2024 của Ngân hàng UOB – Nguồn: Tổng Cục Thống kê, UOB.

Tiền gửi tiết kiệm của người dân đạt kỷ lục

Trong khi đó tiền gửi tiết kiệm của người dân vẫn tăng rất cao. Theo tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thống kê đến cuối tháng 3/2024, tiền tiết kiệm của dân cư được gửi vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,676 triệu tỉ đồng, tăng 2,2% so với cuối năm ngoái, bất chấp lãi suất tiền gửi thấp nhất trong suốt 20 năm qua, kể cả trong 2 năm đại dịch Covid-19.

Tiền gửi tiết kiệm của người dân cư đạt 6,676 triệu tỉ đồng, là mức cao nhất từ trước đến nay.

Thực tế lãi suất ngân hàng ngắn hạn, dưới 6 tháng ở nhiều ngân hàng còn thấp hơn mức lạm phát, nên việc gửi tiền tiết kiệm không còn hấp dẫn nhưng người dân vẫn thích gửi kỳ hạn ngắn, khoảng 3-6 tháng, vì chênh lệch lãi suất giữa các kỳ hạn không nhiều, cho thấy gửi tiết kiệm vẫn chỉ là nơi trú ẩn tạm thời của dòng tiền trong lúc chờ tín hiệu từ các kênh đầu tư khác.

Thực tế này khác với dự báo của nhiều chuyên gia tài chính cho rằng khi lãi suất tiết kiệm xuống đáy, người dân sẽ tìm những kênh khác có lợi hơn để đầu tư, tiền tiết kiệm gửi trong ngân hàng sẽ được rút ra để “chảy” sang các kênh đầu tư khác. Thời gian qua giá vàng nhảy múa, người dân có tiền vẫn muốn đầu tư kênh mua vàng hay một số người nhảy sang lĩnh vực đầu tư chứng khoán, khi thị trường này bắt đầu khởi sắc. Trong khi đó thị trường bất động sản vẫn chưa ấm lên khi mà nhiều thủ tục pháp lý chưa được tháo gỡ, chờ đợi các luật liên quan đến đất đai, nhà ở có hiệu lực.

Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, xu hướng người dân gửi thêm tiền vào ngân hàng được duy trì suốt từ tháng 9 năm 2022 đến nay, chỉ có tháng 1 vừa qua, lượng tiền gửi có giảm nhẹ.

Không chỉ người dân, tiền gửi của các doanh nghiệp, tổ chức, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 3, đạt 6,627 triệu tỉ đồng, tăng 104.000 tỉ đồng so với tháng 2. So với cuối năm ngoái, lượng tiền gửi của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có giảm hơn 3%, song vẫn duy trì ở mức cao.

Trong khi đó lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng vẫn rất thấp. Tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi cao nhất là 4,7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 và 36 tháng. Lãi suất 2,9%/năm và 4,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 6, 9 và 12 tháng. Ở các ngân hàng thương mại, lãi suất có nhỉnh hơn nhưng vẫn thấp. Tại Eximbank, ngân hàng này niêm yết lãi suất tiền gửi hiện hành là 4,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Mức cao nhất là 5,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 60 tháng. VPBank, lãi suất tiền gửi cao nhất là 5,6%/năm cho kỳ hạn gửi 24 và 36 tháng. Hiện một số ngân hàng có tăng lãi suất tiền gửi nhưng không đáng kể.

Theo khảo sát của nhiều ngân hàng, không chỉ những người hưu trí, lớn tuổi mới gửi tiết kiệm, mà những người còn trong tuổi lao động, còn làm ra tiền, vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm. Như anh Nguyễn Van H., đang là quản đốc một nhà máy, nói rằng, kinh tế vẫn đang khó khăn, biết rằng gửi tiết kiệm có thể chỉ hều vốn hoặc “lỗ” nhưng vẫn phải gửi, vì chẳng biết đầu tư vào đâu để sinh lời.

Nhiều người ở trường hợp như anh H. nêu trên, họ chấp nhận lãi suất thấp, bảo tồn được tiền gửi cũng hài lòng, để duy trì sinh kế. Nhưng tại sao tiền gửi của doanh nghiệp cũng cao, trong khi nhiều doanh nghiệp cần vốn?

Các doanh nghiệp trong nước vẫn đang trên đà phục hồi

Kinh tế nước ta đang ấm lên nhưng thực sự vẫn chưa trở lại tăng trưởng mạnh mẽ như những năm trước đại dịch. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I/2024 cao hơn cùng kỳ 4 năm gần đây, đạt 5,66% nhưng doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn khi số đơn vị giải thể, ngừng hoạt động trong quý đầu năm vẫn cao hơn số thành lập mới, quay lại thị trường 4.700 đơn vị.

Điểm sáng bức tranh chung là sự phục hồi mạnh từ khu vực dịch vụ du lịch, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đều tăng. Lượng khách quốc tế 3 tháng đầu năm 2024 đều đạt trên 1,5 triệu lượt mỗi tháng, tăng so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước dịch. Một số lĩnh vực khác cũng tăng trưởng tương đối tốt.

GDP quý I đã cao hơn 4 năm trở lại đây nhưng cần lưu ý rằng đó là sự so sánh tăng trưởng trên nền thấp những năm trước, khi trong 4 năm qua đã có 3 năm ngưng trệ vì dịch Covid-19 và năm 2023 quá khó khăn trước biến động địa chính trị kinh tế thế giới.

Còn quý II? Theo dự báo của Ngân hàng UOB, GDP quý II của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trên cơ sở các hoạt động kinh tế đang đi đúng hướng. Dòng vốn FDI tích cực cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào môi trường chính trị và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

“Số liệu gần đây nhất do Tổng cục Thống kê công bố tiếp tục khẳng định triển vọng tích cực về quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam. Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) cho lĩnh vực sản xuất đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 5, ở mức 50,3 và là lần tăng thứ 4 tích cực trong 5 tháng đầu năm”- các chuyên gia UOB nhận định.

Từ đó UOB kỳ vọng: “Dựa trên dữ liệu được công bố cho đến nay, kỳ vọng tăng trưởng GDP trong quý II sẽ tăng lên 6% so với cùng kỳ, kéo dài mức tăng 5,66% trong quý 1. Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024”.

Dự báo của UOB khá chính xác. Theo ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Công thương cho biết tại họp báo thường kỳ, 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt gần 370 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD.

Đó là những tín hiệu lạc quan ở tầm kinh tế vĩ mô, chủ yếu nhờ các doanh nghiệp có vốn  khu vực FDI nhưng các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ chậm phục hồi, cần có thời gian mới có thể để bứt phá.

Tốc độ phục hồi hiện tại của kinh tế Việt Nam đang theo mô hình tuyến tính, và cần thời gian để có thể trở lại như năm 2022. Mặc dù các chính sách đang hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp và người dân, nhưng sức cầu vẫn tương đối yếu do yếu tố tâm lý khi người dân vẫn đang ưu tiên cho tiết kiệm để phòng ngừa những rủi ro về sinh kế có thể xảy ra trong tương lai hơn là tiêu dùng và đầu tư.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM, trạng thái đình lạm diễn ra toàn cầu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc trong khi ngân hàng trung ương vẫn phải thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát. Đây được xem như là một trạng thái khó điều hành nhất bởi phải đối mặt cả hai yếu tố cùng lúc là đình đốn và lạm phát. Trong bối cảnh đó thì đa số các quốc gia lựa chọn kiềm chế lạm phát (bởi chính sách tiền tệ vẫn theo lạm phát mục tiêu) và chấp nhận đánh đổi sự tăng trưởng, hệ quả là sức cầu của toàn thế giới ảnh hưởng nghiêm trọng và tác động không nhỏ đến xuất khẩu của các quốc gia, trong đó có cả Việt Nam.

Tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Để các doanh nghiệp trong nước phục hồi vững chắc, các chuyên gia Ngân hàng UOB kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành trên cơ sở cân bằng giữa các yếu tố phục hồi kinh tế trong nước ổn định, áp lực lạm phát vừa phải và đồng VND yếu đi so với USD. Các chuyên gia khuyến nghị: Thay vì thay đổi lãi suất, nhà điều hành đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, các lĩnh vực tăng trưởng mới, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và nhà ở xã hội”.

Nhận định này phù hợp với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng cần đạt 5-6%, cả năm đạt 15-16% theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước cũng lấy mục tiêu này để phấn đấu và đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu cho các tổ chức tín dụng để chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.

Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 phải đạt 15 đến 16%. Ảnh: TTXVN
Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 phải đạt 15 đến 16%. Ảnh: TTXVN.

Chính phủ cũng yêu cầu tăng trưởng tín dụng vẫn phải kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống, không những tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, mà còn phải đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh, đồng hành cùng quá trình cam kết tiến đến Net zero vào năm 2050.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 14/6, tín dụng mới tăng 3,79% so với cuối năm 2023, dù ngành ngân hàng đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, nhưng đến thời điểm này tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Mức tăng 3,79% của 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn doanh số của cùng kỳ ba năm trước, mà đó là những năm nước ta vừa thoát khỏi đại dịch Covid-19. Mức tăng đó phản ánh sự hấp thụ tài chính của nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Thực trạng là ở một số địa phương, tăng trưởng tín dụng còn thấp; có những tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin: Đến nay vẫn còn 23 tỉnh tăng trưởng tín dụng âm, 29 tỉnh tăng trưởng không quá 2%. Đối với hệ thống tổ chức tín dụng, bên cạnh những ngân hàng tăng trưởng cao hơn 10% thì vẫn có những ngân hàng tín dụng âm hơn 4%.

Đến cuối tháng 6/2024 vẫn còn 23 tỉnh tăng trưởng tín dụng âm, 29 tỉnh tăng trưởng không quá 2%. Ảnh: TTXVN
Đến cuối tháng 6/2024 vẫn còn 23 tỉnh tăng trưởng tín dụng âm, 29 tỉnh tăng trưởng không quá 2%. Ảnh: TTXVN.

“Điều đó cho thấy về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhìn nhận.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong đó cần duy trì các chính sách nới lỏng hiện tại cả về tài khóa và tiền tệ. Chính phủ cần nghiên cứu tung ra các gói nới lỏng định lượng trong dài hạn cho nhiều ngành nghề cần vốn. Việc nền kinh tế được khơi thông nguồn vốn dài hạn sẽ giúp cho người dân và doanh nghiệp tự tin hơn trong tiêu dùng và đầu tư, từ đó thúc đẩy tổng cầu và hỗ trợ cho tăng trưởng.

Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp và Hội nhập