Thực hiện Nghị quyết số 111 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số: Nhiều cách làm sáng tạo

Thứ Tư, 8 Tháng Năm, 2024 203 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Tỉnh Bắc Giang đã có cách làm sáng tạo, phù hợp điều kiện địa phương trong khai thác hạ tầng công nghệ thông tin và phát huy vai trò tiên phong thực hiện chuyển đổi số (CĐS) của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhờ vậy mà bốn năm liên tiếp (2020, 2021, 2022, 2023), tỉnh dẫn đầu cả nước về lĩnh vực “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” trong bộ chỉ số cải cách hành chính (CCHC).

Đạt điểm cao ở nhiều tiêu chí khó

Ngày 11/6/2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 111-NQ/TU về CĐS tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là điều kiện tiên quyết để công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ CĐS được đồng thuận, thông suốt trong toàn hệ thống chính trị. Sau 4 năm thực hiện nghị quyết, tỉnh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công tác CĐS, CCHC.

Người dân giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Tháng 4/2024, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC cấp tỉnh năm 2023, tỉnh Bắc Giang đạt 91,16% và xếp thứ 4/63 tỉnh, TP. Đặc biệt trong 8 lĩnh vực đánh giá thì lĩnh vực “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” tiếp tục xếp thứ Nhất. Trong đó có nhiều tiêu chí thành phần khó, cần sự tham gia tích cực của người dân như: Tỷ lệ hồ sơ xử lý điện tử, ký số; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình; thanh toán trực tuyến của tỉnh đều đạt điểm cao.

Theo đồng chí Dương Đức Minh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Nhã Nam (Tân Yên), để thay đổi thói quen, cách làm việc truyền thống sang ứng dụng công nghệ không phải việc dễ. Bởi vậy, Đảng ủy thị trấn tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tăng cường tập huấn theo phương châm “cầm tay chỉ việc”.

 

Năm 2024, tỉnh Bắc Giang phấn đấu tỷ lệ hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC đạt hơn 70%; tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến từ xa đạt hơn 60%; hơn 95% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 85% hồ sơ tại cấp huyện và 65% hồ sơ tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc bí mật Nhà nước).

Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của CĐS từ đó xác định trách nhiệm cá nhân trong quá trình CĐS tại cơ quan; thường xuyên học tập, trau dồi kỹ năng số để áp dụng vào công việc và đời sống hằng ngày. Từ kinh nghiệm cá nhân sẽ tuyên truyền, hướng dẫn người thân, bạn bè, hàng xóm hoạt động trên môi trường số. Nhờ vậy mà kết quả thực hiện các nhiệm vụ CĐS của thị trấn đạt cao như: Tỷ lệ ký số; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến, thanh toán trực tuyến.

Cũng với cách làm như vậy, toàn tỉnh đã thành lập hơn 2 nghìn tổ công nghệ số cộng đồng, các đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân thực hành kỹ năng số. Đến nay, CĐS đã lan tỏa trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội của người dân trên địa bàn tỉnh. Hiện tổng số dịch vụ công trực tuyến toàn trình của tỉnh là 827 dịch vụ công và đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Kết quả trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 98,79%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 97,09%.

Trong công tác chỉ đạo điều hành, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu. Hiện 100% cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc liên thông 4 cấp để thực hiện gửi, nhận và xử lý hồ sơ văn bản trên môi trường mạng. Kết quả tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại cấp tỉnh đạt từ 98% trở lên; cấp huyện từ 87% trở lên; cấp xã đạt từ 75% trở lên.

Linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tế

Đồng chí Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho hay: “Để đạt được điểm số cao và giữ vững thứ hạng, hằng năm, sau khi trung ương công bố, tỉnh Bắc Giang đã phân tích từng tiêu chí thành phần, từ đó tổ chức thực hiện với nhiều mô hình, giải pháp, cách làm sáng tạo phù hợp điều kiện thực tế. Căn cứ vào lộ trình cụ thể đề ra trong Nghị quyết số 111, các sở, ngành, địa phương bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có, khai thác nội lực và phát huy hiệu quả. Một số địa phương đã xây dựng đề án riêng về CĐS”.

Đoàn viên thanh niên thị trấn Phương Sơn (Lục Nam) hướng dẫn người dân quét mã QR tra cứu quy trình giải quyết TTHC.

Tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng thông tin và truyền thông, nhờ vậy kiến trúc, nền tảng chính quyền điện tử tỉnh, chính quyền số được hình thành. Trong năm 2023, tỉnh đã xây dựng, triển khai và vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC). Kho dữ liệu số tỉnh đã tích hợp các dữ liệu cơ sở chuyên ngành; xử lý, làm sạch dữ liệu, hình thành 7 cơ sở dùng chung của tỉnh.

Nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) đã kết nối đến Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) với 13 dịch vụ của các bộ, ngành trung ương. Cổng dữ liệu mở tỉnh Bắc Giang (Open Data) đã được xây dựng và phát triển với 92 danh mục dữ liệu mở. Cổng thông tin không gian (SDI) đã xây dựng để tạo nền tảng triển khai các ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý phát triển đô thị thông minh.

Theo quy định việc thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh bắt đầu thực hiện từ ngày 1/6/2022; cấp huyện từ ngày 1/12/2022, cấp xã từ ngày 1/6/2023. Tuy nhiên tỉnh Bắc Giang đã sớm triển khai tại bộ phận một cửa các cấp trước thời hạn. Quá trình số hóa đã sớm phát hiện những bất cập và giao cơ quan chuyên môn tìm giải pháp khắc phục.

Trong năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã nâng cấp tính năng lưu tự động dữ liệu quét hình ảnh từ máy scan với hệ thống thông tin giải quyết TTHC khi số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Qua đó giúp giảm thời gian, tăng năng suất làm việc cho cán bộ. Kết quả năm 2023, tỷ lệ thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết và cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp tỉnh đạt 82,4%; cấp huyện đạt 99,1%; cấp xã đạt 98,2%.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết số 111 đề ra, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Chủ động rà soát thực trạng công nghệ trên địa bàn; nắm bắt xu hướng công nghệ số, những ứng dụng tiên tiến, hiện đại đang được sử dụng trên thế giới và các tỉnh, TP trong nước để nghiên cứu ứng dụng trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên môn; thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Cùng đó đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên tham gia quá trình CĐS. Về nhiệm vụ trước mắt, trên cơ sở phân tích những tiêu chí thành phần giảm điểm và có nguy cơ giảm điểm, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch cải thiện hiệu quả.

Theo Báo Bắc Giang