TS. Trần Xuân Lượng: Doanh nghiệp bất động sản thiếu nguồn lực sẽ bị loại khỏi cuộc chơi

Chủ Nhật, 18 Tháng Tám, 2024 202 lượt xem Chia sẻ bài viết:

TS. Trần Xuân Lượng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản thiếu nguồn lực và chiến lược chắc chắn sẽ khó tồn tại trong môi trường cạnh tranh hiện nay. Những công ty không chuẩn bị đầy đủ về tài chính và kế hoạch sẽ dễ bị loại khỏi thị trường.

Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh, doanh nghiệp bất động sản cần có nền tảng tài chính vững chắc và chiến lược rõ ràng để đối mặt với những thách thức. Nếu các công ty chỉ dựa vào may mắn trong việc đầu tư phát triển dự án có thể gặp rủi ro cao.

Việc đầu tư vào các dự án bất động sản quy mô lớn đòi hỏi vốn lớn và quản lý tài chính chặt chẽ. Doanh nghiệp thiếu khả năng tài chính và quản lý rủi ro sẽ khó khăn trong việc duy trì hoạt động và sinh lời. Sự linh hoạt và sáng tạo trong chiến lược phát triển là yếu tố quyết định, vì những doanh nghiệp không cập nhật kịp thời xu hướng và thay đổi sẽ tụt lại phía sau.

Đặc biệt, sự thay đổi trong công nghệ và quản lý rủi ro đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ để tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu quả hoạt động. Doanh nghiệp không làm được điều này sẽ gặp khó khăn trong việc tồn tại lâu dài trong một thị trường bất động sản đầy thách thức.

Ảnh minh họa
TS. Trần Xuân Lượng – Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo TS. Trần Xuân Lượng – Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động trong hơn 30 năm qua, từ tăng trưởng, ổn định, sốt nóng đến đóng băng, trầm lắng và phục hồi. Các luật quan trọng như Luật Đất đai đã tác động lớn đến sự phát triển của thị trường. Luật Đất đai 1993 và các bản sửa đổi sau đó đã làm thay đổi cách quản lý đất đai, khuyến khích đầu tư nước ngoài và thúc đẩy thị trường.

Theo ông Lượng, sự ra đời của các luật mới sẽ giúp thị trường bất động sản phục hồi và ổn định hơn. Tuy nhiên, mặc dù không còn “thời kỳ vàng son”, thị trường vẫn có khả năng phục hồi, và thời điểm này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài luật mới, bao gồm sự tự điều chỉnh của thị trường và các yếu tố cung – cầu.

Ông Lượng nhấn mạnh, các quy định mới của Luật Đất đai sẽ làm gia tăng chi phí đất đai và thuế phí, từ đó có thể làm tăng giá bất động sản. Bên cạnh đó những quy định này cũng làm rõ ràng hơn và đơn giản hóa thủ tục hành chính, lại làm giảm bớt chi phí không tên, nên cũng có thể không làm tăng giá, từ đó có thể kích thích giao dịch và tạo động lực cho thị trường.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất qua đấu giá và đấu thầu, các công ty có kinh nghiệm và năng lực sẽ có lợi thế. Cơ chế mới nhằm giảm thiểu tình trạng “xin – cho”, tạo môi trường cạnh tranh công bằng. Doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực để tham gia đấu thầu, vì chỉ những công ty mạnh mới có thể tồn tại và phát triển.

Bên cạnh đầu tư phát triển thì ngành dịch vụ môi giới và định giá bất động sản cũng sẽ có cơ hội phát triển nhờ sự thay đổi trong quy định về giá đất. Lực lượng nhân sự cho ngành định giá sẽ tăng gấp 5 lần trong thời gian tới.

“Hơn nữa Luật Nhà ở sửa đổi mang lại lợi ích cho người mua nhà bằng cách giảm tỷ lệ thanh toán trước khi nhận nhà từ 70% xuống 50%, bảo vệ quyền lợi của người mua và giảm áp lực tài chính. Tuy nhiên, vấn đề định giá đất vẫn là thách thức cần được giải quyết để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan”, TS. Trần Xuân Lượng chia sẻ.

Theo Tạp chí điện từ Doanh nghiệp và Hội nhập