Từ 1/8, trường hợp nào mua bán nhà phải chuyển khoản?

Thứ Bảy, 13 Tháng Bảy, 2024 172 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ 1/8 quy định về thanh toán trong kinh doanh bất động sản tại Điều 48.

Ảnh minh họa.

Quy định nêu chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hay dịch vụ địa ốc phải nhận tiền thanh toán theo hợp đồng từ khách hàng thông qua tài khoản ngân hàng tại Việt Nam. Việc phạt, bồi thường thiệt hại vì chậm tiến độ thanh toán hay chậm bàn giao được các bên thỏa thuận và phải ghi trong hợp đồng.

Như vậy, việc bắt buộc thanh toán qua ngân hàng chỉ áp dụng với chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Còn các cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ, bán nhà ở, công trình xây dựng, diện tích sàn trong công trình không nhằm mục đích kinh doanh hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở… không bắt buộc thanh toán bằng chuyển khoản.

Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành không bắt buộc việc giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng. Việc này, theo nhiều chuyên gia, khiến xuất hiện tình trạng trốn thuế, phát sinh tiêu cực trong giao dịch.

Các chuyên gia nhìn nhận quy định mới bảo đảm kiểm soát dòng tiền giao dịch của các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản, giúp thị trường minh bạch hơn.

Ngoài ra, Điều 47 luật này cũng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải ghi đúng giá giao dịch thực tế trong hợp đồng và chịu trách nhiệm nếu giá hợp đồng không đúng với giá thực tế.

Trước đây, tình trạng mua bán bất động sản kê khai hai giá, tức giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn nhiều giá chuyển nhượng thực tế, diễn ra phổ biến để giảm số thuế phải nộp, nhằm trốn tránh nghĩa vụ. Việc né thuế này đã gây thất thu ngân sách rất lớn. Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), tính đến năm 2022, có khoảng 30.000 trường hợp giao dịch nhà đất đã phải rà soát lại việc kê khai chuyển nhượng bất động sản.