Từ tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Bài 2: Nhân lên ý chí, niềm tin

Thứ Ba, 21 Tháng Ba, 2023 217 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Trong tác phẩm, Tổng Bí thư chỉ rõ” “Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả”. 

Những điểm mới đủ sức răn đe, cảnh tỉnh

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương (T.Ư) về phòng, chống tham tham nhũng, ngày 31/7/2017 Tổng Bí thư chỉ rõ: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy” để nói lên quyết tâm khi các cơ quan vào cuộc, không ai đứng ngoài.

Tại Phiên họp thứ 15 của Ban chỉ đạo, ngày 21/1/2019, Tổng Bí thư chia sẻ: Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác. Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, đất nước, nhân dân”, “Ai chả thích của, thích tiền, nhưng danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.

Đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Soi chiếu vào các quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/5/2012 của Hội nghị T.Ư 5 khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 khóa X; Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 khóa X; Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 2/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW, ngày 3/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; trong nhiều kết luận phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (TNTC)…, có thể thấy công tác phòng, chống TNTC, lãng phí có những chuyển biến rõ rệt, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, không có vùng cấm, ngoại lệ của Đảng, đó là:

Về đối tượng áp dụng bao gồm không chỉ tổ chức, cá nhân đương nhiệm trong hệ thống chính trị mà kể cả tổ chức Đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể hoặc thay đổi do chia tách, sáp nhập về mặt tổ chức, đảng viên đã chuyển công tác, nghỉ hưu. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm đều bị xem xét, hồi tố. Nếu phát hiện TNTC đều bị xem xét, tùy theo tính chất, mức độ, xử lý kỷ luật theo quy định. Trong quá trình thực hiện, tuân thủ đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền, phương pháp công tác theo quy định của Đảng đó là chủ động, kịp thời, công khai, dân chủ, khách quan, công tâm, thận trọng, chặt chẽ, chính xác, nghiêm minh.

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa XIII mới đây, ở một số địa phương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống TNTC đã được thành lập và nhanh chóng đi vào hoạt động, đạt được những kết quả bước đầu. Chức năng, nhiệm vụ, Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống TNTC đã được sửa đổi, bổ sung với nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động.

Về mục tiêu trên hết, trước hết và thể hiện bản chất nhân văn là xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật không chỉ nhằm mục đích trừng trị, mà trước hết là để phòng ngừa, ren đe, cảnh tiỉnh, phát hiện từ sớm, từ xa, kịp thời ngăn chặn từ lúc manh nha, triệt tiêu nguyên nhân, điều kiện hình thành. Kiểm tra, giám sát với mục đích phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm ngay từ khi mới manh nha. Khi phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh để dăn đe, giáo dục.

Chuyển biến từ thực tiễn

Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống TNTC. Ủy ban Kiểm tra T.Ư và các cấp đã thể hiện rõ bản lĩnh, tinh thần kiên quyết, mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra xuống đến cả cấp ủy cấp huyện và cơ sở; xử lý dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương.

Trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên T.Ư, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng. Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát năm 2022, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 58.069 tổ chức đảng và 324.403 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3.533 tổ chức đảng và 10.475 đảng viên (tăng 17,57% tổ chức đảng và 16,62% đảng viên so với năm 2021). Qua kiểm tra, kết luận có 2.333 tổ chức đảng và 8.003 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 333 tổ chức đảng và 3.909 đảng viên; đã thi hành kỷ luật 244 tổ chức đảng, 3.595 đảng viên. Trong đó, năm 2022, Bộ Chính trị thi hành kỷ luật 11 tổ chức đảng; Ban Bí thư thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng, 43 đảng viên; có 10 ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư Đảng bị thi hành kỷ luật.

Những con số về xử lý kỷ luật của Đảng cho thấy rõ quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng, Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý TNTC. Việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống TNTC trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế của toàn Đảng. Chưa bao giờ, nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như vừa qua. Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, đúng như Tổng Bí thư khẳng định: “Vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”.

                               Còn nữa

Theo Báo Bắc Giang