12 tháng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 36,6 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ 2022.
Ảnh minh họa. |
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 36,6 tỷ USD vốn đăng ký tính đến 20/12, số đăng ký mới đạt gần 20,2 tỷ USD, tăng 62,2%. Số dự án mới cũng đạt 3.188, tăng 56,6%.
Ngoài vốn đăng ký mới, năm nay cũng ghi nhận 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn – tăng 14%, với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD giảm hơn 22%. Trong khi đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn mua cổ phần đạt hơn 8,5 tỷ USD, tăng 65,7%. Nhờ quy mô vốn góp tăng nên dù lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần giảm so với cùng kỳ, vốn góp lại tăng cao.
Bên cạnh đó, vốn giải ngân tính đến 20/12 đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm ngoái và là mức kỷ lục từ trước đến nay.
Việc vốn giải ngân tăng, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã cho thấy một số điểm nghẽn, rào cản với đầu tư, kinh doanh đã được tháo gỡ hiệu quả, từ đó giúp doanh nghiệp ổn định và cải thiện sản xuất, tái đầu tư. Vốn đăng ký mới tăng mạnh cũng cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Hiện vốn FDI tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, nhân lực, môi trường đầu tư thuận lợi như TP Hồ Chí Minh (HCM), Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai. 10 địa phương này đã chiếm tới 78,6% số dự án mới và 74,4% số vốn của cả nước trong năm 2023.
Về ngành nghề thu hút vốn FDI, số liệu cho thấy, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm hơn 64% vốn, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm ngành bất động sản đứng thứ hai, kế đó là sản xuất – phân phối điện và tài chính – ngân hàng.
Tính theo đối tác, năm nay, Singapore dẫn đầu chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng thứ hai, tiếp đó là các thị trường như Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc (đại lục), Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.
Đầu tháng này, trong thông báo nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam, Fitch Ratings đánh giá lợi thế về chi phí, lực lượng lao động dồi dào cùng số lượng các FTA phong phú sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút được dòng vốn FDI trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. FDI được xem là động lực, giúp củng cố triển vọng Việt Nam tăng trưởng thuận lợi trong trung hạn.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Hình ảnh nồi cháo thứ 46 do Bưu điện tỉnh Bắc Giang ủng hộ
Việt Nam có thể đón cơ hội vươn lên trong ngành công nghiệp bán dẫn
Bắc Giang thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước
Tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả
Tập đoàn Foxconn sẽ rót thêm 80 triệu USD vào Bắc Giang để sản xuất chip
Bắc Giang phát triển dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn
Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp – Tạo môi trường hấp dẫn để thu hút đầu tư
Chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc