Khoảng một tháng nữa, nông dân trong tỉnh chính thức bước vào vụ thu hoạch vải thiều. Nhận định năm nay tiếp tục được mùa, ngành chức năng, chính quyền các địa phương sớm xây dựng kế hoạch, chủ động kết nối, tìm đầu ra cho trái vải.
Tín hiệu vui từ các thị trường
Chuẩn bị vụ vải thiều năm 2023, giữa tháng 4 vừa qua, UBND huyện Lục Ngạn thành lập đoàn công tác “Nam tiến” làm việc với một số đơn vị, địa phương nhằm kết nối tiêu thụ vải thiều tại chợ đầu mối, cửa khẩu. Tại đây, UBND huyện Lục Ngạn thống nhất, ký biên bản ghi nhớ với các đơn vị, địa phương trong phối hợp kết nối, tiêu thụ vải thiều.
|
Vùng trồng vải sớm Phúc Hòa (Tân Yên). Ảnh: Vương Lâm. |
Theo đó, Công ty cổ phần Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) ưu tiên bố trí khu vực riêng để quảng bá, tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn. Tương tự, UBND huyện Thống Nhất và Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cũng hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp (DN) đưa vải thiều vào tiêu thụ.
Đồng chí La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Năm ngoái, riêng chợ đầu mối Thủ Đức tiêu thụ gần 21 nghìn tấn vải thiều Lục Ngạn, chiếm hơn 20% sản lượng. Qua chuyến làm việc lần này cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan vào thị trường các tỉnh miền Nam, Ban quản lý chợ Thủ Đức, Dầu Giây cũng khẳng định sẽ đồng hành để tăng lượng tiêu thụ qua đây, mở thêm cơ hội để vải thiều của huyện vào thị trường miền Nam”.
Với tổng diện tích 29,7 nghìn ha (tăng 1,4 nghìn ha so với năm 2022), năm nay sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước khoảng 180 nghìn tấn, trong đó huyện Lục Ngạn 98 nghìn tấn, Tân Yên khoảng 17 nghìn tấn… Bắc Giang dự kiến xuất khẩu khoảng 96 nghìn tấn, chiếm khoảng 53% sản lượng và tăng 15,2% so với năm ngoái. |
Với tổng diện tích 29,7 nghìn ha (tăng 1,4 nghìn ha so với năm 2022), năm nay sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước khoảng 180 nghìn tấn, trong đó huyện Lục Ngạn 98 nghìn tấn, Tân Yên khoảng 17 nghìn tấn… Ngay từ đầu vụ, các ngành, chính quyền địa phương chủ động kết nối, tìm kiếm thị trường. Với 680 ha vải thiều sớm, năm nay sản lượng vải thiều của xã Phúc Hòa (Tân Yên) dự kiến khoảng 9 nghìn tấn.
Để rộng đường xuất khẩu, hiện toàn bộ diện tích trồng vải của xã được cấp mã vùng trồng, trong đó có 11 mã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (600 ha), 3 mã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản (25 ha), còn lại là các mã đi Australia, Hoa Kỳ và Thái Lan. Để nâng chất lượng, giá trị sản phẩm, tại các vùng trồng mới được cấp mã, cán bộ chuyên môn của xã, huyện thường xuyên hỗ trợ người dân kỹ thuật chăm sóc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trước khi bước vào vụ thu hoạch, cùng với rà soát, bố trí hơn 10 điểm đỗ, đậu và quay đầu xe, UBND xã đầu tư 760 triệu đồng mở rộng tuyến đường tại vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại thôn Quất Du 2 và Lân Thịnh.
Đặc biệt, tín hiệu vui đến với người trồng vải của xã là ngay từ đầu vụ, Công ty cổ phần BEIN (TP Hà Nội) đã ký kết đưa 180 tấn vải thiều sớm sang thị trường Nhật Bản. Anh Ngô Văn Cường, thôn Quất Du 2 nói: “Năm ngoái, toàn xã có khoảng 60 tấn vải thiều đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản song chỉ có khoảng 30% được đưa sang thị trường này. Nhờ mở thêm mã vùng trồng, năm nay sản lượng dự kiến đủ tiêu chuẩn đi Nhật Bản toàn xã tăng lên 300 tấn. Việc DN cam kết thu mua giúp người trồng vải yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập”.
Đa dạng kênh quảng bá
Nhờ đầu tư, áp dụng kỹ thuật thâm canh nên năng suất, sản lượng vải thiều của tỉnh những năm gần đây đạt cao, trong đó năm 2021 đạt hơn 215,8 nghìn tấn, cao nhất từ trước đến nay. Sản lượng cao, thị trường thu hẹp do chịu tác động bởi dịch Covid-19 song nhờ chủ động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới nên vải thiều vẫn tiêu thụ thuận lợi. Nhận định, năm nay vải thiều tiếp tục có năm thứ ba liên tiếp được mùa, cơ quan chuyên môn của tỉnh, các địa phương sớm xây dựng, đổi mới phương án xúc tiến tiêu thụ vải thiều.
Tại buổi làm việc mới đây, đại diện Công ty khẳng định, đang tập trung hoàn thiện hạ tầng cũng như điều kiện để đáp ứng nhu cầu vận chuyển nông sản xuất khẩu. Chị Tạ Thị Thuỷ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bằng Thuỷ, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) nói: “Nếu ga Kép có thể đáp ứng đủ điều kiện về vận chuyển nông sản xuất khẩu, chúng tôi sẽ có thêm loại hình vận tải để đưa vải thiều sang Trung Quốc. Trước mắt, chúng tôi vẫn sử dụng phương tiện đường bộ để vận chuyển. Khi ga Kép đủ các điều kiện sẽ vận chuyển bằng đường sắt”.Tại “thủ phủ” vải thiều Lục Ngạn, ngay từ tháng 3, địa phương chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các DN, hợp tác xã (HTX) liên kết, mời gọi thương nhân Trung Quốc đến địa bàn tìm hiểu, liên kết. Đến nay đã có 110 thương nhân Trung Quốc đăng ký vào địa bàn thu mua vải thiều. Khai thác lợi thế khi ga Kép trở thành ga liên vận quốc tế, những ngày qua, UBND huyện tổ chức nhiều buổi làm việc với Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt nhằm bàn phương án vận chuyển vải thiều.
Theo Sở Công Thương, năm nay dịch Covid-19 chuyển sang giai đoạn bình thường mới, các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và các quốc gia được mở cửa nên dự kiến sản lượng tiêu thụ xuất khẩu sẽ tăng. Cụ thể, tỉnh dự kiến xuất khẩu khoảng 96 nghìn tấn, chiếm khoảng 53% sản lượng và tăng 15,2% so với năm ngoái.
Hoạt động xuất khẩu tập trung chủ yếu vào thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á, khu vực Trung Đông… Điểm mới trong hoạt động xúc tiến, tiêu thụ vải thiều năm nay là UBND tỉnh giao cho các địa phương trực tiếp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Theo đó, UBND huyện Tân Yên sẽ chủ trì tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều sớm; huyện Lục Ngạn tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, lễ xuất hành vải thiều Lục Ngạn vào thị trường miền Nam và Trung Quốc.
Sở Công Thương cũng tổ chức một loạt sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ. Điểm nhấn đáng chú ý là việc Bắc Giang đăng ký chuyên đề xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước, thị trường Trung Quốc và các nước trên thế giới tại hội nghị giao ban giữa Bộ Công Thương với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Đây là dịp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các nước trên thế giới. Cùng đó, lần đầu tiên Bắc Giang tổ chức quảng bá hàng nông sản tại hội chợ hàng hoá Trung Quốc – Việt Nam được tổ chức tại thị Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc).
Ông Ngụy Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) nói: “Năm nay, chúng tôi tiếp tục duy trì hai tổ công tác tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai để hỗ trợ DN đưa vải thiều xuất ngoại. Tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu hơn 50%, các địa phương cần chủ động hướng dẫn DN, người dân tuân thủ nghiêm các quy định về bảo đảm chất lượng quả vải, quy cách đóng gói, tránh tình trạng hàng hóa phải “quay đầu”. Cùng đó chủ động nhiều phương án thích ứng tình hình thực tế”.
Theo Báo Bắc Giang
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống lũ tại Bắc Giang
Bảo đảm nguồn cung thực phẩm sau bão
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3
Kiểm tra tại Lục Ngạn, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu chỉ đạo: Cần bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân
Nhiều khu vực ở Bắc Giang bị gián đoạn cung cấp nước sạch do lũ
Bắc Giang: Các đơn vị quân đội huy động hơn 6 nghìn cán bộ, chiến sĩ giúp dân chống lũ
Lũ trên sông Thương, sông Lục Nam vượt báo động 3; dung tích nhiều hồ chứa đã đạt mức thiết kế
Quy định đánh số nhà thay đổi thế nào từ 15/10?