Tại sao người Việt ta khi ra nước ngoài vẫn chấp hành nghiêm túc luật giao thông? Tại sao có nhiều ông Tây sang VN đi xe máy cũng phóng nhanh, vượt ẩu, cũng lấn tuyến, cũng chen lấn?
Khi chúng ta nói nhiều về ý thức giao thông nhưng không tìm thấy định nghĩa cho từ này trong bộ luật giao thông đường bộ thì làm sao khiến chủ thể tham gia giao thông có thể vận dụng đúng luật.
Chúng ta thường thấy những kết luận: “Người Việt Nam chúng ta có ý thức tham gia giao thông kém”, hoặc là “người dân chưa có ý thức giao thông”, …
Theo từ điển Bách khoa toàn thư thì: “Ý thức theo định nghĩa của triết học Mác – Lênin là một phạm trù song song với phạm trù vật chất, theo đó ý thức là sự phản ánh thế giới vật chất khách quan vào bộ óc con người và có sự cải biến và sáng tạo. Ý thức có mối quan hệ hữu cơ với vật chất”.
Vậy, theo định nghĩa này, ý thức là một khái niệm triết học và được diễn giải bởi các từ ngữ, khái niệm rất là bác học nên hoàn toàn không dễ hiểu cho tất cả chúng ta.
Ý thức là một khái niệm định tính, không cân đo đong đếm được. Khi chúng ta nói nhiều về ý thức giao thông nhưng không tìm thấy định nghĩa cho từ này trong bộ luật giao thông đường bộ. Theo đó cũng chẳng có quy định xử phạt nào đối với hành vi gọi là ý thức giao thông kém.
Có bạn sẽ hỏi, sao đưa ra vấn rắc rối vậy?
Vâng, khi chúng ta nghiên cứu, phân tích và kết luận một vấn đề mà được xem là thực trạng nóng của xã hội mà chúng ta không đưa ra được khái niệm cho chủ thể được kết luận thì liệu rằng kết luận đã chính xác?
Hiện nay, một số hãng xe đang phát triển ôtô tự lái. Một bang của nước Mỹ đã đi đầu trong việc ban hành luật cho phép ôtô tự lái vận hành trên đường. Chúng ta biết rằng một máy tính hay một chiếc rô bốt thì không có ý thức.
Vậy thì tại sao một vật vô tri vô giác không có ý thức vẫn được phép điều khiển phương tiện giao thông? Vậy, việc “không có ý thức giao thông” có phải là còn kém hơn “thiếu ý thức giao thông” hay không?
Theo tôi, và trong khuôn khổ của giao thông, có thể nôm na khái niệm: Ý thức giao thông là sự hiểu biết và tự giác chấp hành các quy định và luật lệ giao thông của người tham gia giao thông.
Theo đó, ôtô tự hành như nói trên là không có ý thức vì nó có hiểu biết nhưng không tự giác. Và, việc chấp hành luật của nó chỉ là sự thi hành các mệnh lệnh do con người lập trình sẵn.
Ý thức giao thông không phải là đạo đức giao thông. Ý thức giao thông có được ban đầu là do nhận thức, sau đó được nuôi dưỡng, rèn luyện và phát triển. Nhận thức tốt, nuôi dưỡng và rèn luyện tốt sẽ tạo ra được ý thức tốt. Ý thức giao thông tốt hay xấu là do tác động trực tiếp bởi nhiều yếu tố cụ thể, chẳng hạn như:
– Giáo dục luật giao thông
– Kiểm tra việc thi hành luật giao thông và chế tài
– Tính khoa học và việc triển khai áp dụng luật giao thông
– Hạ tầng giao thông. (“Ý thức giao thông”, dù sao cũng có cái gốc là “ý thức” và do đó khó mà thoát ra khỏi cái định nghĩa của Mác, theo đó ý thức giao thông bao gồm cả sự phản ứng lại môi trường ngoại cảnh.)
– Sự làm gương của người lớn.
Dĩ nhiên là còn nhiều yếu tố khác nữa. Khi ta nói “ý thức giao thông kém” thì cứ theo sơ đồ xương cá của các yếu tố cấu thành mà phân tích tính nhân quả thì ta sẽ biết kém ở chỗ nào, từ đó đề ra biện pháp khắc phục.
Chúng ta là người Việt Nam, chúng ta thấy xấu hổ và tự ái khi bị kết luận rằng người VN có ý thức giao thông kém. Tôi thì không đồng ý với kết luận như vậy. Vì kết luận này đã chụp mũ lên bản chất người VN.
Tôi thường hỏi các bạn bè rằng, khi các bạn qua Singapore, bạn có đi bộ qua đường ẩu không? Bạn có thấy rất nhiều công nhân Việt tại Malaysia qua đường ẩu không? Tất cả nói là không có, không thấy. Vậy ý thức giao thông kém có phải là bản chất hiện nay của người VN không?
Ngay tại VN chúng ta, hàng ngày chúng ta vẫn thấy mấy ông Tây đi xe máy, cũng phóng nhanh, vượt ẩu, cũng lấn tuyến, cũng chen lấn đấy thôi. Vậy thì ý thức giao thông kém thì đâu riêng gì người VN.
Giáo dục (Bao gồm cả đào tạo và sát hạch)
Có lần hỏi mấy đứa cháu, sao đi xe máy ban đêm trong phố mà cứ bật đèn chiếu xa làm chói mắt người đối diện. Họ trả lời rằng, “đâu có biết đâu, cứ bật có đèn sáng là chạy thôi, mà chiếu xa thì thấy rõ chứ sao”. Rõ ràng họ không biết và chưa được học luật tới nơi tới chốn.
Việc thi sát hạch và cấp chứng nhận đối với người điều khiển xe máy và thậm chí cả ôtô hiện nay hoàn toàn không thực tế. Cơ quan cấp chứng nhận không cần biết là người được cấp chứng nhận có biết vận dụng lý thuyết luật vào thực tế hay không.
Kết quả là (đa phần là xe máy) họ không biết xi nhan trước khi chuyển làn đường; Họ thường tấp xe máy về sát bên phải để quay đầu xe;…. Cứ như thế cách điều khiển này ăn sâu vào tiềm thức của họ hàng chục năm.
Khi gặp những người như vậy, bạn nói họ thiếu ý thức giao thông hay là do họ chưa được học đúng đắn?.
Kiểm tra việc thi hành luật và chế tài
Một số người cứ nhăm nhe vắng bóng CSGT là đạp thẳng ga có thể. Hỏi, “nếu bị phạt thì giam xe à?”. Trả lời: “có sao đâu, nhanh lúc nào hay lúc nấy, đường vắng mà, với lại để sẵn “một xấp” đây rồi, xì ra là xong hết”.
Hàng ngày đi trên đường Quốc lộ bạn hiếm khi thấy CSGT thực thi pháp luật trong khi tuần tra, đa phần họ thực thi tại một điểm cố định mà các xe đến đấy thì rất là ngoan ngoãn.
Bạn đi trên đường có giải phân cách cứng, bạn xin đường mãi nhưng xe trước vẫn ung dung không cho. Cho dù bạn là người có lòng tự trọng và không chấp nhận “bán mình”, nhưng rồi bạn cũng phải vượt phải. Bạn bị coi là sai luật và không có ý thức.
Hối lộ được cho CSGT đối với một số người là một sự thành công. Họ chấp nhận sẵn sàng bỏ tiền ra “mua” sự tiện lợi, “mua” thời gian. Sự “ăn tiền” của người thực thi pháp luật in hằn vào trong đầu người tham gia giao thông rằng chúng ta có thể cùng nhau chia chác, cùng có lợi.
Khi gặp những người chạy ẩu, sai làn, lấn, ép bạn như là xe ben, xe vua, xe khách 16 chỗ, bạn sẽ nói rằng họ thiếu ý thức giao thông hay là do họ đã mua đường?
Khi va chạm và tai nạn giao thông xảy ra, CSGT thường khuyến khích hai bên đương sự thương lượng, trong đó hầu hết ưu tiên cho bên xe nhỏ, xe lớn đền xe nhỏ.
Cách xử lý theo lệ như thế này của lực lượng công quyền tạo ra tâm lý ỷ lại của người tham gia giao thông. Kết quả là người đi bộ muốn băng qua đường thì băng, xe đạp học sinh thì dàn hàng ba hàng tư, mấy chiếc xe máy cà tàng thì chạy bất cần đời.
Tính khoa học và việc triển khai áp dụng luật giao thông
Nếu luật giao thông có tính khoa học cao thì sẽ tạo ra sự an toàn, tiện lợi cho người tham gia giao thông và đồng thời thỏa mãn các nhu cầu phát triển văn hóa và kinh tế của xã hội.
Luật giao thông của chúng ta do cơ bản thừa kế luật giao thông của các nước tiên tiến, nên có lẽ không phải bàn cãi nhiều. Luật giao thông hiện nay ít gây khó khăn đối với ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông. Nói “ít” là do luật được cập nhật chậm.
Chẳng hạn, một số nơi đường phố có hai làn đường mỗi chiều với quy định rất rõ ràng, một làn dành cho ô tô và một làn dành cho xe máy. Đến gần ngã tư, vạch phân làn vẫn là vạch kẻ liền. Khi đó, xe ô tô rẽ phải và xe máy rẽ trái tạo ra một cảnh chen lấn hỗn loạn. Và, khi quan sát tổng thể, bạn phán luôn “người điều khiển phương tiện giao thông kém ý thức quá, chẳng chịu nhường đường cho nhau”.
Ngược lại, việc triển khai áp dụng luật lại là vấn đề gây không ít rắc rối cho người dân. 262 tuyến phố ở Hà Nội, bình thường cho phép gửi xe thu tiền. Đùng một cái ra cái lệnh không cho giữ xe nữa.
Nhưng, người dân đỗ xe cũng bị phạt. Lý do phạt vì đây là những tuyến phố cấm đỗ xe theo Nghị định. Tại sao không gắn biển cấm đỗ xe. Một ông Tây điều khiển xe, liệu có biết có cái nghị định được thông báo trên tivi?
Luật quy định rằng xe gắn máy 2 bánh có vận tốc tối đa theo thiết kế vượt quá 50km/h phải được lắp 2 gương, 1 bên trái, 1 bên phải. Ai cũng biết rằng đa số xe máy tham gia lưu thông hiện nay đều có vận tốc thiết kế trên 50km/h, như vậy xe buộc phải được lắp 2 gương.
Vậy mà, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP chỉ xử phạt hành chính khi xe máy không lắp gương chiếu hậu bên trái. Tai hại chưa? Nghị định này làm cho người dân không cần lắp gương bên phải.
Và như thế, hàng ngày trong thành phố có hàng triệu triệu lượt người rẽ phải mà không có thiết bị quan sát phía sau. Khi va quẹt xảy ra với bạn, bạn sẽ chửi người kia “không có ý thức giao thông”.
Hạ tầng giao thông
Hạ tầng giao thông gây tiêu cực một cách không kể xiết vào ý thức người tham gia giao thông. Điều này thì ai cũng nhận ra và kết luận được. Có lẽ không cần phải bàn cãi thêm làm gì nữa.
Sự làm gương của người lớn
Ở Miền Tây, có một vị quan khi với vai trò là hành khách mà lại ra lệnh cho tài xế taxi vượt đèn đỏ, tài xế không vượt thì bị đánh. Khi ra đường bạn thường thấy xe biển số xanh chạy rất ẩu, lạng lách, vượt phải, quá tốc độ. Có phải là lỗi của tài xế không? Hay là một cán bộ nào đó ra lệnh cho anh ta chạy như vậy?
Trên các quốc lộ, một số tài xế ma mãnh chạy bám theo xe cán bộ. Khi qua những khu thị trấn, khu đông dân cư thì còi xe cán bộ rất có tác dụng dẹp đường cho xe bám theo. Một số anh tài xế xe con còn ma mãnh hơn, dám đánh lừa luôn CSGT bằng cách mua một chiếc nón CS, nón quân đội để ngay kiếng sau để đề phòng “bất trắc”.
Người điều khiển ô tô thì nhìn vào xe cán bộ, người đi xe máy thì nhìn vào xe máy công an phường, dân phòng. Hẳn bạn đã từng thấy cảnh CA phường, dân phòng đi xe máy chầm chậm thành nhóm, không nón bảo hiểm, xe thì không có gương, ngồi lái xe thì cứ như nằm dài ra trước, hai tay chống thẳng, cổ rụt lại – những hình ảnh này nhìn một lần là nhớ mãi.
Chúng ta hiện nay đang cố gắng hoàn thiện một xã hội pháp trị. Tuy nhiên, đây đó trong các văn kiện và nghị quyết vẫn nhắc đến vấn đề đức trị và kêu gọi cán bộ lãnh đạo luôn làm gương cho người dân. Người cán bộ hành xử chuẩn mực sẽ là tấm gương tốt cho người dân, bằng không thì ngược lại với cấp số nhân.
Bạn đưa con trẻ đi học. Con bạn đã mất bao nhiêu công sức để học được luật giao thông ở trường. Vậy mà, chỉ trong một lần vượt đèn đỏ bạn đã xóa tất cả những thứ tốt đẹp mà con bạn dày công có được.
Kết luận rồi thì làm gì?
Kết luận “ý thức giao thông của người Việt Nam hiện nay kém” là không công bằng, là một kết luận theo sự tách rời các yếu tố cấu thành lên nó. Nếu vẫn cứ khẳng định kết luận này là đúng và kết tội vào người dân thì quả là nguy to!
Nguy to thứ nhất, đây không còn là vấn đề nhận thức mà là vấn đề nhân chủng. Kết luận này khác chi là đánh trống bỏ dùi nên nguy to thứ hai là người dân phải tự phục hồi lại ý thức của mình.
Như đã nói ở trên, ý thức giao thông tốt hay xấu là do tác động trực tiếp bởi nhiều yếu tố. Nếu như cơ quan quản lý giao thông phân tích tỉ mỉ, thẳng thắn từng yếu tố đó thì sẽ tìm ra được cách giúp người dân khắc phục tình trạng “ý thức kém” hiện nay. Tự mỗi người dân không thể nào tự “nâng cao ý thức” cho mình được.
Ý thức giao thông của người VN chỉ là một miếng ghép liên kết và chịu tác động của nhiều miếng ghép khác nữa trong bức tranh giao thông hỗn loạn hiện nay mà thôi.
Đào Hữu Xuân
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường tham dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam- Trung Quốc
UBND huyện Lục Ngạn: Gặp mặt kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2024)
Một số hình ảnh các sở, ngành của tỉnh chúc mừng 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường
UBND huyện Tân Yên: Gặp mặt kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam
Hội Doanh nghiệp huyện Yên Dũng gặp mặt các doanh nghiệp, doanh nhân
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thúc đẩy chuyển đổi số để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng, vượt lên
Đại hội Hội Doanh nghiệp huyện Lục Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2024-2029 và Gặp mặt nhân kỷ niệm 20 năm ngày doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2024)