Chiều 27/12, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ năm 2023; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Đồng chí Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo, công tác CĐS, cải cách hành chính thời gian qua luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm và có sự chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình CĐS. Xếp hạng chỉ số CĐS – DTI tỉnh Bắc Giang năm 2022 đứng 09/63 tỉnh thành (mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố). Bên cạnh đó, chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” trong CCHC 03 năm liên tiếp (2020, 2021, 2022) xếp hạng 01/63 tỉnh, thành phố; chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam – ICT Index năm 2022 xếp thứ 05/63 tỉnh, thành phố.
Thực hiện năm dữ liệu quốc gia, Sở Thông tin và Truyền thông đã kịp thời hướng dẫn các cấp, các ngành về việc xây dựng, kết nối, đồng bộ các cơ sở dữ liệu dùng chung, ứng dụng hiệu quả các nền tảng số, dịch vụ số; Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh bắt đầu hoạt động; Kho dữ liệu số tỉnh Bắc Giang tiếp tục được đầu tư mở rộng; Cổng dữ liệu mở Open Data tỉnh Bắc Giang tiếp tục được nâng cấp để cập nhật 94 danh mục dữ liệu mở tỉnh Bắc Giang năm 2023. Hạ tầng kỹ thuật Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp tục vận hành, duy trì hoạt động ổn định. Hệ thống hội nghị truyền hình được trang bị từ cấp tỉnh đến cấp xã phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành kịp thời, thông suốt của lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành.
Hệ thống camera an ninh, camera giao thông trên toàn tỉnh hoạt động hiệu quả, phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn. Công tác đầu tư xây dựng, phát triển các hệ thống ứng dụng CNTT, cơ sở dữ liệu trong hoạt động của các cấp, các ngành, các địa phương được tăng cường, cơ bản đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ. Các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh như: Hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh, Công báo điện tử tỉnh, Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc qua mạng và Hệ thống Thư điện tử công vụ đã được đầu tư, nâng cấp phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, nhu cầu thực tế của tỉnh và được kết nối liên thông từ tỉnh đến xã.
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ CĐS được giao như: Việc triển khai hướng dẫn thực hiện văn bản của Trung ương, của tỉnh về CĐS tại một số sở, ngành, địa phương. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, tỷ lệ hộ gia đình có người có điện thoại thông minh, tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang còn hạn chế. Hạ tầng, trang thiết bị CNTT phục vụ CĐS chưa được quan tâm đúng mức, chưa đồng bộ nhất là ở cấp huyện, xã. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương với các cơ sở dữ liệu quốc gia còn nhiều vướng mắc. Nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh về CNTT còn nhiều bất cập, chưa có chuyên gia giỏi về CNTT, chưa có cán bộ chuyên trách an toàn thông tin, trình độ chuyên môn của cán bộ chuyên trách CNTT còn yếu.
Một số ý kiến đại biểu đề xuất tỉnh đầu tư, bổ sung trang thiết bị tại các cấp, các ngành để nâng cao chất lượng hệ thống họp trực tuyến của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến xã. Đầu tư trang thiết bị CNTT, các phương tiện khoa học kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu CĐS của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của CĐS đối với các cấp, ngành, địa phương, cá nhân người đứng đầu. Để tiếp tục thực hiện CĐS đạt hiệu quả và thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Năm 2024, tỉnh Bắc Giang tập trung vào việc tiếp tục nâng cao nhận thức về CĐS cho người dân, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng số đồng bộ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công “lấy người sử dụng làm trung tâm”, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp “dựa trên dữ liệu số” và nâng cao năng suất lao động của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của cơ quan nhà nhà nước “dựa trên nền tảng số, dữ liệu số” và đặc biệt là tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số. Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn thông tin và phát triển kinh tế số, xã hội số sẽ là những ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Bắc Giang năm 2024.
Đồng chí đề nghị các huyện, thành phố tiếp tục tập trung nâng cao công tác tuyên truyền, nhận thức về CĐS cho người dân; quan tâm hoạt động của chính quyền số, nhất là dữ liệu, đơn vị xây dựng phần mềm sớm cập nhật, hoàn thiện để phần mềm vận hành đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện hạ tầng, nguồn lực thực tiễn của địa phương.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh mô hình thanh toán không dùng tiền mặt, đặt biệt ở các chợ. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả việc thúc đẩy CĐS, thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện tiếp tục tổ chức dịch vụ chi trả xây dựng phương án chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt (quy trình thực hiện, điều kiện hạ tầng, mạng lưới rút tiền, tiện ích thanh toán…) theo Kế hoạch chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt của tỉnh.
Tỉnh đoàn Bắc Giang tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Đề án Nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu niên; phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của các cấp bộ đoàn trong CĐS giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn tỉnh; hằng quý tổng hợp, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án. UBND huyện, thành phố quan tâm bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. UBND huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho Tổ công nghệ số cộng đồng để đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân nhằm đưa người dân lên môi trường số, để người dân tiên phong sử dụng các công nghệ số, tham gia các sàn thương mại điện tử…
Các sở, ngành, UBND huyện, thành phố hoàn thành 100% việc phân loại, xác định, phê duyệt đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin và phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ phù hợp với quy định của pháp luật và tiêu chuẩn quốc gia về an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ trước 01/6/2024.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương triển khai hiệu quả Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ CĐS của tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT, bảo đảm an toàn thông tin mạng và Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp./.
Theo Bacgiang.gov.vn
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Bắc Giang: Ban hành đơn giá mới bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất
Tỉnh Bắc Giang luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
banner
Chân dung tân Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Hương
Triển khai nhiệm vụ xây dựng và phát triển huyện Hiệp Hòa trở thành thị xã vào năm 2027
Quy mô kinh tế Bắc Giang tăng 4 bậc: Công nghiệp khẳng định vị thế
Bắc Giang nâng tầm đô thị, mở hướng tương lai
Bắc Giang: Bầu đồng chí Nguyễn Thị Hương giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Việt Oanh giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh